Xin chào ! Nếu đây là lần đầu tiên bạn đến với diễn đàn, xin vui lòng danh ra một phút bấm vào đây để đăng kí và tham gia thảo luận cùng VnPro.

Announcement

Collapse
No announcement yet.

Quy trình khảo sát mạng không dây

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Quy trình khảo sát mạng không dây

    Với tư cách là một nhà tư vấn mạng không dây, người kỹ sư phải thấu hiểu những tiến trình khảo sát nhằm hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng. Cần có thời gian để thực hiện quá trình khảo sát , những thông tin khảo sát hoàn chỉnh sẽ mang lại hiệu quả to lớn cho giai đoạn thiết kế, cài đặt mạng tiếp theo.
    Khảo sát là tiến trình thực hiện từng bước, trong đó người khảo sát sẽ tìm hiểu các đặc điểm về sóng vô tuyến, mức độ cần phủ sóng, các nguồn nhiễu và xác định vị trí đặt thiết bị tối ưu trong khu vực khảo sát… Quá trình khảo sát phải thực hiện phân tích địa điểm khảo sát dựa trên quan điểm sóng vô tuyến nhằm thỏa mãn tốt nhất yêu cầu từ phía khách hàng. Thông tin thu thập được càng nhiều càng tốt, và từ đó tìm hiểu được nhu cầu của khách hàng, đưa ra những khuyến nghị về thiết bị phần cứng, cấu hình mạng, chi phí thiết kế mạng,…
    Trong quá trình khảo sát, người thực hiện có khả năng sẽ đối mặt với nhiều thử thách mà người khảo sát cần phải hiểu và đánh giá được tầm quan trọng của chúng trước khi tiến hành khảo sát. Người thực hiện khảo sát nên có những kiến thức cơ bản về hạ tầng của mạng, đồng thời cũng phải quan tâm đến môi trường xây dựng mạng không dây, lưu ý đến những vật cản có khuynh hướng gây ra hiện tượng đa đường, hay các vật hấp thu sóng vô tuyến gây ra suy yếu tín hiệu, nhiệt độ, khí hậu,… . Bên cạnh đó, phải chú ý đến nhu cầu, mục đích sử dụng mạng.

    6.1. Chuẩn bị cho khảo sát:
    Quá trình khảo sát mạng muốn thu được kết quả tốt nhất, người thực hiện khảo sát trước khi tiến hành cần có quá trình chuẩn bị chu đáo và cẩn thận. Nếu người khảo sát có quá trình chuẩn bị trước khi khảo sát thực tế càng kỹ thì sẽ tiết kiệm được càng nhiều thời gian khảo sát.
    Một số những thông tin cần tìm hiểu từ người quản trị mạng trước khi khảo sát:
    - Những phân tích khu vực khảo sát.
    - Những mạng hiện tại.
    - Khu vực sử dụng và các tháp anten.
    - Những yêu cầu và mục đích kinh doanh.
    - Yêu cầu về băng thông và chuyển vùng.
    - Nguồn tài nguyên sẵn có.
    - Yêu cầu bảo mật.
    Những thông tin này có thể thu thập được qua nhiều hình thức như điện thoại, fax, email,…

    6.1.1. Phân tích khu vực khảo sát:
    Người khảo sát cần trả lời được câu hỏi: “Địa điểm khảo sát là dạng nào?”. Đây là yếu tố căn bản nhưng có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình làm việc tiếp theo trong giai đoạn khảo sát.
    Ví dụ: nếu so sánh địa điểm khảo sát là một văn phòng nhỏ với một máy chủ và 20 người sử dụng với một sân bay quốc tế loại lớn, điều dễ thấy đầu tiên là sự khác biệt về kích thước, số lượng người sử dụng, cần lưu ý về yêu cầu bảo mật, yêu cầu băng thông, những nguồn có thể gây nhiễu, ngân sách xây dựng dự án,…
    Hình thức trả lời cho câu hỏi trên có thể là một bản thiết kế, mô tả viết tay hay sơ đồ tòa nhà (khu vực khảo sát), tùy vào mỗi dạng địa điểm khảo sát mà có những bước chuẩn bị cần thiết thích hợp cho công việc khảo sát.

    6.1.2. Những mạng hiện tại:


    6.1.2.1. “Có hay không tồn tại một mạng (nối dây hoặc không) trong môi trường khảo sát hiện tại?”:

    Đây cũng là vấn đề căn bản, người khảo sát cần phải biết được khách hàng muốn xây dựng một mạng mới hoàn toàn hay xây dựng một mạng không dây trên cơ sở nâng cấp và tương thích với môi trường mạng hiện tại. Nếu đã tồn tại một mạng trong môi trường hiện tại, cần phải nắm rõ những thành phần trong mạng này như thông tin về phần cứng mạng hiện tại, tần số được sử dụng, số người sử dụng, băng thông, những ưu điểm và yếu điểm của mạng hiện tại,…
    Những vấn đề thường được đặt ra với những nhà quản trị hay quản lý mạng:
    - Hệ điều hành mạng (Network Operating System_NOS) đang được sử dụng?
    - Số người sử dụng (hiện tại và 2 năm sau hoặc hơn) truy cập đồng thời vào mạng?
    - Yêu cầu băng thông (đối với từng người sử dụng) trong mạng không dây?
    - Mạng không dây đang sử dụng giao thức nào?
    - Kênh và kỹ thuật trải phổ đang được sử dụng trong mạng không dây?
    - Mạng đang sử dụng phương pháp bảo mật nào? Ai là người chịu trách nhiệm về những chính sách bảo mật này?
    - Mạng hiện tại có hỗ trợ cung cấp nguồn qua Ethernet không?
    - Vị trí kết nối với mạng nối dây trong địa điểm khảo sát?
    - Mong muốn của người sử dụng: nhu cầu, mục đích,…
    - Tồn tại hay không quy ước đặt tên cho các thiết bị trong mạng? Nếu có ai là người chịu trách nhiệm về công việc này?
    Người khảo sát nên có được sơ đồ mạng hiện tại từ người quản trị mạng. Khi đã tồn tại mạng không dây trong môi trường hiện tại thì việc thực hiện khảo sát sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, nhất là khi hoạt động của mạng hiện tại có nhiều lỗi. Trong những trường hợp như vây, người khảo sát không thể không hợp tác với người quản trị.

    6.1.2.2. “Điểm kết nối với mạng không dây nằm ở vị trí nào?”:
    Khi thực hiện cài đặt mạng không dây, sẽ phát sinh trường hợp xác định được vị trí tối ưu đặt các access point nhưng vị trí đó nằm ngoại phạm vi cho phép kết nối của mạng có dây. Chính vì vậy, xác định được vị trí kết nối với mạng không dây sẽ tiết kiệm được thời gian xác định vị trí đặt access point và triển khai mạng sau này. Những vị trí này cần phải được đánh dấu trên sơ đồ mạng, trên bản thiết kế hay bản đồ khu vực khảo sát.
    Một điều cần quan tâm nữa là có cung cấp nguồn cho access point bằng Ethernet hay không? Nếu có thì vị trí đặt access point phải nằm trong giới hạn khoảng cách của Ethernet.
    Có thể đặt access point ngoài tầm bao phủ của mạng nối dây bằng cách sử dụng access point hay bridge không dây ở chế độ lặp, tuy nhiên nên tránh sử dụng giải pháp này nếu có thể. Nên kết nối access point hay bridge không dây vào mạng nối dây.

    6.1.2.3. “Đã có hay chưa một quy ước đặt tên cho access point/bridge?”:

    Nếu hiện tại không tồn tại một mạng không dây nào, người quản trị mạng phải định nghĩa một quy ước đặt tên cho các thiết bị. Việc sử dụng quy ước đặt tên cho các access point và bridge trên mạng không dây sẽ giúp quản trị chúng sau khi cài đặt dễ dàng hơn.
    Về phía người khảo sát, với quy ước đặt tên cho các access point và bridge sẽ dễ dàng ghi lại thông tin địa điểm đặt thiết bị tối ưu trong báo cáo cuối cùng.

    6.1.3. Khu vực sử dụng và các tháp anten:

    6.1.3.1. “Mạng không dây được sử dụng trong nhà, ngoài trời hay cả hai?”:
    Thường xuyên xảy ra bão hay lốc xoáy trong khu vực khảo sát hay không? Việc sử dụng các thiết bị mạng không dây ngoài trời gặp nhiều tình huống và những vật cản tiềm ẩn trong quá trình cài đặt và bảo trì hệ thống. Như đã biết, một cơn gió mạnh có thể sẽ là thay đổi hướng phát tín hiệu đối với những liên kết không dây khoảng cách xa. Nếu gặp phải thời tiết khắc nghiệt như mưa đá hoặc mưa lớn thường xuyên, nên sử dụng các radome (vỏ hình vòm trong không ảnh hưởng đến sóng vô tuyến dùng để che đậy anten) để bảo vệ anten. Nếu cần đặt các access point hay bridge ngoài trời thì có thể sử dụng các hộp theo chuẩn NEMA để bảo vệ thiết bị.
    Các kết nối không dây ngoài trời thường dễ bị các hacker tấn công vì không cần phải xâm nhập vào bên trong tòa nhà mới có thể tấn công hệ thống. Sau khi xác định được môi trường khảo sát là trong nhà, ngoài trời hay cả hai, người khảo sát nên chuẩn bị tài liệu và bản đồ cần thiết cho việc khảo sát.
    Khi khảo sát trong nhà, cần những thông tin về cấu trúc tòa nhà, tầng nhà, những phòng đặt thiết bị, và những thông tin có giá trị khác.
    Khảo sát ngoài trời, những tài liệu đã chuẩn bị nên cung cấp những thông tin như có thể mở rộng mạng không dây trong khoảng bao xa là an toàn mà không cần quan tâm đến những hacker. Khi khảo sát ngoài trời, tìm kiếm những vật cản tín hiệu như các tòa nhà xung quanh, cây cối, núi,…Nên kiểm tra tín hiệu các mạng không dây khác tại điểm đặt anten. Nếu một hệ thống chuỗi trực tiếp đang sử dụng kênh 1, và một hệ thống kế đó cũng sử dụng kênh 1, nên ghi chú thông tin này vào báo cáo để có giải pháp thích hợp.

    6.1.3.2. “Có cần phải cài đặt anten không?”:
    Khi thực hiện khảo sát, có thể cần đặt một tháp anten cao 30foot (gần bằng 3m) trên nóc tòa nhà tránh được những vật cản như cây cối, các tòa nhà khác,… trên đường kết nối không dây.
    Nếu cần thiết phải đặt tháp anten, cần đặt ra những câu hỏi:
    - Có cần sử dụng mái nhà để đặt anten không?
    - Có cần sự hỗ trợ của kỹ sư xây dựng hay không?
    - Có cần phải xin phép hay không?
    Người kỹ sư xây dựng có thể được yêu cầu xác định liệu việc đặt tháp anten trên nóc tòa nhà mà không có nguy hiểm nào xảy ra hay không? Đôi khi, việc đặt anten cũng cần phải xin phép.

    6.1.4. Những yêu cầu và mục đích kinh doanh:

    Câu hỏi đặt ra là “Mục đích của mạng không dây? Những yêu cầu kinh doanh là gì?”.
    Đối với trường hợp một văn phòng tạm thời hỗ trợ kết nối dữ liệu cho một cuộc thi Olympic, câu trả lời cho câu hỏi trên có thể đưa đến nhiều quyết định khác nhau. Có thể phát sinh nhiều vấn đề như ngân sách, số lượng người sử dụng, các kết nối ngoài trời, truy cập mạng tạm thời và bảo mật.
    Ví dụ: sử dụng mạng không dây tốc độ cao 802.11a cho một doanh nghiệp chỉ sử dụng vài PDA là một sự lãng phí. Ví vậy cần phải xác định được nhu cầu của người sử dụng, thu thập được càng nhiều thông tin càng có ích cho việc hiểu mục đích sử dụng của mạng không dây. Để thu thập thông tin có thể cần phải phỏng vấn một số người sử dụng mạng cũng như người quản trị mạng.
    Người khảo sát nên tìm kiếm chính xác những gì người sử dụng mong đợi từ mạng không dây và những ứng dụng sẽ được sử dụng. Có nhiều mục đích sử dụng độc lập và khác nhau, người khảo sát nên ghi chép cẩn thận và chi tiết những nhu cầu của người sử dụng nhằm mục đích đưa ra một giải pháp cho kiến trúc mạng đảm bảo tất cả các nhu cầu của người sử dụng và thậm chí giúp thực hiện quản trị mạng dễ dàng hơn.
    Việc hiểu sâu sắc mục đích sử dụng mạng không dây và cách thức sử dụng mạng, người khảo sát sẽ có thể tạo ra báo cáo khảo sát hoàn chỉnh và hợp lý cho khách hàng, đồng thời việc này cũng hỗ trợ người kỹ sư thiết kế tập trung vào mục đích của khách hàng.

    6.1.5. Yêu cầu về băng thông và chuyển vùng:

    6.1.5.1. “Dung lượng được yêu cầu của mạng là gì? Băng thông hay chuyển vùng?”:
    Trả lời câu hỏi này đồng thời cũng xác định được công nghệ sẽ được triển khai và công nghệ sử dụng để khảo sát là gì. Ví dụ: yêu cầu của khách hàng là khảo sát nhà kho và mục đích sử dụng mạng không dây là quét dữ liệu trên các nhãn hộp và gởi chúng đến máy chủ trung tâm dữ liệu thì yêu cầu về băng thông là rất thấp. Hầu hết thiết bị sử dụng lấy dữ liệu chỉ yêu cầu tốc độ 2Mbps nhưng yêu cầu về việc chuyển vùng thông suốt mà vẫn giữ được kết nối khi di chuyển. Tuy nhiên, nếu yêu cầu của khách hàng là mạng sử dụng để phục vụ khoảng 35 lập trình viên, cần truy cập vào các máy chủ ứng dụng với tốc độ cao, kiểm tra máy chủ, truy cập Internet thì băng thông là ưu tiên hàng đầu. Điều này là dễ nhận thấy vì các lập trình viên vẫn duy trì vị trí trong khi làm việc.
    Phải xác định được dung lượng của mạng, cả số người sử dụng đồng thời và thông lượng được mong đợi. Hầu hết các nhà sản xuất đều đưa ra chỉ số người dùng tối đa đối với một access point đảm bảo hiệu suất hoạt động thỏa đáng. Mạng nên được thiết kế với chỉ số thấp hơn chỉ số này. Thêm vào đó, người khảo sát nên đánh giá toàn bộ băng thông mà một access point có thể cung cấp (khoảng 5Mbps đối với 802.11b và khoảng 20Mbps đối với 802.11a và 802.11g), đồng thời xác định access point có thỏa mãn nhu cầu thông lượng định của người sử dụng hay không. Lưu ý: nếu một mạng được thiết kế với gần 100% dung lượng, trong tương lai có thể nhanh chóng cung vượt quá cầu, vì vậy nên thiết kế mạng với dung lượng nhiều hơn nhu cầu mà người sử dụng thực sự mong muốn một lượng đủ lớn nhằm dự phòng cho tương lai.

    6.1.5.2. “Yêu cầu chuyển vùng của khách hàng như thế nào?”:
    Điều quan trọng là người khảo sát phải phân biệt được “chuyển vùng”, giữa “khả năng di chuyển laptop đến vị trí khác và thiết lập kết nối tại vị trí mới” và “khả năng duy trì kết nối khi di chuyển”. Cần phải thật khéo léo khi triển khai “khả năng di động của mạng không dây”, nếu chỉ vì người sử dụng có thể chuyển từ subnet IP này sang subnet IP khác, bắt buộc các giao thức chuyển vùng lớp 3 thêm vào hỗ trợ chuyển vùng lớp 2 của chuẩn 802.11. Điều may mắn là hầu hết các mạng không dây không thật sự yêu cầu cung cấp tính di động. Bất cứ khi nào người sử dụng đặt laptop trong vùng phủ sóng của access point và nhận được tín hiệu, sau đó thì anh ta có nhận được tín hiệu trong khi di chuyển hay không là không quan trọng. Chính điều này làm đơn giản hóa quá trình khảo sát và cài đặt mạng một cách đáng kể.

    6.1.5.3. “Những ứng dụng nào sẽ được sử dụng trong mạng không dây”:
    Người khảo sát phải tìm hiểu mạng chỉ được sử dụng để truyền dữ liệu không nhạy cảm về thời gian hay dữ liệu nhạy cảm về thời gian như âm thanh, video hay cả hai cùng lúc. Các ứng dụng băng thông cao như truyền file hay luồng dữ liệu chất lượng cao âm thanh, hình ảnh,… sẽ yêu cầu băng thông cho mỗi người sử dụng nhiều hơn các ứng dụng ít sử dụng mạng. Những ứng dụng hướng kết nối sẽ yêu cầu duy trì kết nối khi chuyển vùng. Người khảo sát cần phân tích và ghi chú lại những yêu cầu ứng dụng trước khi khảo sát sẽ đưa đến những quyết định chuẩn xác khi kiểm tra vùng phủ sóng.

    6.1.5.4. “Có thời điểm nào mà mạng cần thay đổi ở một vùng nào đó hay không?”:

    Việc thay đổi nhu cầu của mạng có thể đơn giản như có nhiều người sử dụng ở một thời điểm nào đó, hay phức tạp hơn là thời tiết thay đổi. Ví dụ: khảo sát đường kết nối giữa hai tòa nhà vào mùa đông, lúc này cây ít lá. Tuy nhiên vào mùa xuân, cây sẽ mọc nhiều lá, có thể có nước đọng trên lá, điều này sẽ ảnh hưởng đến đường truyền không dây. Một ví dụ khác: một mạng không dây được thiết kế đáp ứng yêu cầu của ít người sử dụng, nhưng có một hội nghị bán hàng trong phòng họp có nhiều nhóm bán hàng sử dụng mạng không dây.
    Người khảo sát cần lưu ý những yếu tố trên và ghi chú lại nhằm giúp người thiết kế đưa ra những giải pháp giải quyết những vấn đề trên một cách hợp lý.

    6.1.5.5. “Mức độ di động hay chuyển vùng là cần thiết?”:
    Người sử dụng có thể chuyển vùng trong nhà, ngoài trời hoặc cả hai. Chuyển vùng có thể kết hợp với việc di chuyển qua ranh giới giữa các router, duy trì các kết nối VPN, … Điều quan trọng đối với người khảo sát là phải ghi lại những sự kiện nhằm cung cấp thông tin đầy đủ và cần thiết cho người thiết kế trước khi đưa ra giải pháp phù hợp.
    Người khảo sát cũng cần phải khảo sát những vùng, khu vực xung quanh nhằm giúp người thiết kế đưa ra những giải pháp kết nối đặc biệt cho những vùng phủ sóng bị cản trở hay các yêu cầu bảo mật đặc biệt cho phép thực hiện chuyển vùng.

    6.1.6. Nguồn tài nguyên sẵn có:

    6.1.6.1. “Những tài nguyên hiện có là gì”:
    Những vấn đề cần thảo luận với người quản lý mạng liên quan đến tài nguyên hiện có là ngân sách dành cho dự án, thời gian tối đa hoàn thành dự án, và khách hàng đã có người quản trị mạng không dây được huấn luyện rồi hay chưa? Người khảo sát nên liên hệ với khách hàng để có được tài liệu của lần khảo sát trước đó, những mô hình mạng hiện tại, bản vẽ tòa nhà, bản thiết kế mạng hiện tại nếu có. Cũng có thể khách hàng sẽ không cung cấp những thông tin trên vì lý do bảo mật, trong trường hợp đó người khảo sát sẽ mất nhiều thời gian để tiến hành công việc.

    6.1.6.2. “Đã có sẵn sơ đồ tòa nhà hay chưa? (phiên bản điện tử hay giấy)”:

    Một trong những yêu cầu đầu tiên của người khảo sát đối với người quản trị là sơ đồ tòa nhà hay sơ đồ sắp xếp của tòa nhà. Nếu không có sẵn những dạng sơ đồ này, người khảo sát sẽ mất thời gian để tạo ra những sơ đồ hiển thị vị trí kích thước những khu vực khảo sát, các văn phòng, vị trí các bức tường, phòng thiết bị, vị trí các nguồn điện,… Người khảo sát có thể tạo ra những sơ đồ trên bằng những công cụ như Visio, AutoCAD,…
    Khi đã có sơ đồ tòa nhà, người khảo sát đánh dấu những vị trí sẽ đặt thiết bị và vùng phủ sóng tương ứng trên sơ đồ. Nếu bản vẽ là phiên bản điện tử, người khảo sát có thể sử dụng các công cụ phần mềm đặt những icon thể hiện những ghi chú của mình, nếu là phiên bản bằng giấy có thể sử dụng bút màu.

    6.1.6.3. “Đã có sẵn bản kết quả của lần khảo sát trước hay không?”:

    Nếu trước đó khách hàng đã thực hiện khảo sát, thì việc có được bản báo cáo kết quả khảo sát đó sẽ giúp người khảo sát giảm một lượng thời gian đáng kể khi thực hiện lần khảo sát mới. Tuy nhiên, phải đảm bảo kết quả khảo sát lần trước không ảnh hưởng đến quyết định của người khảo sát vì tài liệu này chỉ là tham khảo.
    Người khảo sát cũng nên tìm hiểu có cần người dẫn đường khi khảo sát, có cần phải vào phòng thiết bị hay lên mái nhà hay không? Có phải xin phép thực hiện những công việc này hay không?

    6.1.7. Yêu cầu bảo mật:


    6.1.7.1. “Mức độ bảo mật cần thiết đối với mạng cần thiết kế?”:

    Khách hàng có thể có những yêu cầu khắc khe về bảo mật dữ liệu hoặc không có yêu cầu bảo mật nào. Nên hiểu rằng, sử dụng duy nhất WEP với mục đích bảo mật không phải là giải pháp tối ưu vì WEP dễ dàng bị phá vỡ. Một công việc quan trọng trước khi khảo sát là nên có một huấn luyện ngắn cho khách hàng về các tùy chọn bảo mật hiện tại. Việc trao đổi với khách hàng sẽ giúp người khảo sát thu thập đủ thông tin cần thiết giúp người thiết kế đưa ra giải pháp thích hợp. Khách hàng sẽ đặt ra nhiều thắc mắc về vấn đề bảo mật mạng không dây, và điều này giúp người khảo sát có thể hiểu tốt hơn về nhu cầu của khách hàng.

    6.1.7.2. “Những chính sách nào khách hàng đang triển khai liên quan đến cài đặt và quản lý bảo mật mạng không dây”:
    Người quản trị mạng có thể đã không triển khai chính sách bảo mật nào cho mạng hiện tại. Nếu đã tồn tại một mạng không dây, người khảo sát cần những chính sách bảo mật hiện tại trước khi tiến hành khảo sát. Nếu hiện tại khách hàng chưa có chính sách bảo mật nào, người khảo sát sẽ phải đặt ra những câu hỏi về yêu cầu bảo mật liên quan đến việc cài đặt mạng không dây.
    Trong suốt giai đoạn thiết kế tích hợp mạng không dây (giai đoạn này không thuộc quy trình khảo sát), người kỹ sư thiết kế có thể cung cấp tài liệu thiết kế bảo mật chi tiết cho khách hàng. Người quản trị mạng sau đó có thể lấy thông tin này để thiết lập chính sách bảo mật cho khách hàng. Chính sách bảo mật giữa những khách hàng khác nhau có thể sẽ khác nhau. Thường có một chính sách bảo mật có thể cài đặt cho tất cả các mạng khôngdây, chính sách này bao gồm:
    - Mức bảo mật tối thiểu: “mạng phải sử dụng xác thực WPA2 với EAP-TLS, xác thực chung, và mã hóa AES (hoặc kỹ thuật tương đương)”.
    - Thủ tục thêm thiết bị mới vào mạng.
    - Thủ tục phát hiện và trả lời những lỗi bảo mật.
    - Biện pháp xử lý những tấn công của chính sách bảo mật.

    6.1.8. Những câu hỏi người khảo sát nên chuẩn bị:

    Trước khi khảo sát, người khảo sát nên chuẩn bị những câu hỏi như sau:
    - Người sử dụng có di chuyển trong khu vực khảo sát hay không? (người sử dụng dùng laptop hay máy để bàn).
    - Khoảng cách, trong nhà hoặc ngoài trời, người sử dụng chuyển vùng mà vẫn yêu cầu duy trì kết nối?
    - Người sử dụng truy cập vào dữ liệu thời gian thực với mức độ như thế nào? Có yêu cầu bảo mật hay không? Mức độ bảo mật?
    - Người sử dụng có sử dụng những ứng dụng yêu cầu băng thông, thời gian thực hay hướng kết nối không?
    - Người sử dụng có thường xuyên di chuyển hay không?
    - Mức độ sử dụng Internet của người sử dụng? Những chính sách liên quan đến email hay tải dữ liệu?
    - Những sự cố đã xảy ra?
    - Khách hàng đã được huấn luyện sử dụng và quản trị mạng không dây chưa?
    - Thiết bị di động được sử dụng?
    - Người sử dụng có thường xuyên sử dụng thiết bị trong điều kiện không có nguồn điện hay không? Thời gian sử dụng là bao lâu?
    - …
    Ngoài ra, người khảo sát sẽ còn đặt ra nhiều câu hỏi khác đối với khách hàng nhằm thu được càng nhiều thông tin về nhu cầu, mục đích của người sử dụng càng tốt.

    6.1.9. Những thiết bị, tài liệu người khảo sát cần chuẩn bị:

    Sau đây là danh sách tổng quát những tài liệu mà người khảo sát cần được cung cấp từ phía khách hàng hoặc đã sắp xếp với khách hàng trước khi thực hiện khảo sát:
    - Bản vẽ khu vực khảo sát (có ghi chú về nguồn cung cấp điện).
    - Tài liệu của cuộc khảo sát mạng không dây lần trước đó.
    - Sơ đồ mạng hiện tại.
    - Một cuộc gặp gỡ với người quản trị mạng.
    - Một cuộc gặp với người quản lý khu vực khảo sát.
    - Trao đổi với nhân viên bảo mật mạng của khách hàng.
    - Xem xét tất cả những khu vực chịu ảnh hưởng của mạng không dây.
    - Xem xét phòng thiết bị và mái nhà (nếu cần đặt tháp anten).
    - Bản kế hoạch dự kiến (nếu có).
    Phạm Minh Tuấn

    Email : phamminhtuan@vnpro.org
    Yahoo : phamminhtuan_vnpro
    -----------------------------------------------------------------------------------------------
    Trung Tâm Tin Học VnPro
    149/1D Ung Văn Khiêm P25 Q.Bình thạnh TPHCM
    Tel : (08) 35124257 (5 lines)
    Fax: (08) 35124314

    Home page: http://www.vnpro.vn
    Support Forum: http://www.vnpro.org
    - Chuyên đào tạo quản trị mạng và hạ tầng Internet
    - Phát hành sách chuyên môn
    - Tư vấn và tuyển dụng nhân sự IT
    - Tư vấn thiết kế và hỗ trợ kỹ thuật hệ thống mạng

    Network channel: http://www.dancisco.com
    Blog: http://www.vnpro.org/blog

  • #2
    6.2. Những thiết bị khảo sát:

    Có hai phương thức thực hiện khảo sát:
    - Phương pháp thủ công: người khảo sát rà soát khắp khu vực khảo sát với một access point và một máy tính, đánh giá những đặc tính của sóng vô tuyến tại những vị trí khác nhau.
    - Phương pháp tự động: sử dụng phần mềm và những bộ cảm biến để dự đoán mức độ bao phủ thiết bị dựa trên những sơ đồ tòa nhà và các sơ đồ khác.
    Đối với hầu hết các trường hợp khảo sát trong nhà, người khảo sát cần ít nhất một access point, một số loại anten, cáp anten và các bộ nối, máy laptop (hoặc PDA) có gắn card mạng không dây, một vài phần mềm khảo sát, và giấy ghi chép; có thể thêm vào một số dụng cụ như: băng keo hai mặt (đặt anten tạm thời lên tường), UPS (để cung cấp nguồn cho access point khi access point không cắm trực tiếp vào nguồn xoay chiều), máy quay phim kỹ thuật số để thu hình ảnh những địa điểm cụ thể trong khu vực khảo sát, thiết bị thu phát sóng hai chiều, và hộp bảo vệ thiết bị.

    6.2.1. Access Point:
    Access point được sử dụng khi khảo sát nên có công suất phát thay đổi được và có đầu nối để lắp anten ngoài. Đặc tính thay đổi công suất phát cho phép dễ dàng thay đổi vùng phủ sóng bất cứ khi nào trong quá trình khảo sát. Chức năng này cực kỳ hữu ích trong trường hợp khu vực khảo sát là một hành lang dài hay bệnh viện. Việc thay đổi công suất phát của access point bằng phần mềm có nhiều lợi thế hơn so với việc thay đổi thủ công.
    Một số chuyên gia khảo sát sử dụng access point hoạt động bằng nguồn xoay chiều kết nối với bộ chuyển đổi DC-AC, bộ chuyển đổi kết nối với pin. Với cấu hình này dễ dàng đặt access point ở bất cứ vị trí nào khi khảo sát. Access point có thể được đặt trên thang hay trần nhà khi anten được treo tạm trên tường, nếu sử dụng các thiết bị mà không cần đến nguồn điện xoay chiều sẽ giúp tiết kiệm được thời gian khảo sát.

    6.2.2. Card PC và các ứng dụng:
    Những card mạng không dây cao cấp đều kèm theo những phần mềm ứng dụng. Những ứng dụng khảo sát mạng không dây của các nhà sản xuất khác nhau sẽ có những chức năng khác nhau, nhưng thường đều có khả năng đo tốc độ liên kết và độ mạnh tín hiệu, đây là yếu tố cần thiết để đưa ra những đánh giá về khu vực phủ sóng. Khi khảo sát cần lưu ý những thông số sau:
    - Độ mạnh tín hiệu (dBm).
    - Mức nhiễu nền (dBm).
    - Tỷ lệ độ mạnh tín hiệu trên nhiễu (SNR, dB).
    - Tốc độ liên kết.
    Tuy nhiên chỉ một số ít nhà sản xuất đưa ra sản phẩm hỗ trợ đầy đủ các chức năng này, người khảo sát nên sử dụng thêm bộ phân tích phổ để khảo sát sóng vô tuyến.
    Một ưu điểm đáng kể của card mạng không dây là khả năng thay đổi công suất phát, trợ giúp người khảo sát kiểm tra những trường hợp xảy ra các hiện tượng như gần/xa hay node ẩn.
    Người khảo sát nên sử dụng thêm một số phần mềm hỗ trợ như NetStumbler, hay phần mềm giám sát tốc độ.

    6.2.3. Laptop và PDA:
    Người khảo sát có thể sử dụng Laptop hay PDA để xác định độ mạnh tín hiệu, mức nhiễu nền, tốc độ liên kết và mức bao phủ khi chuyển vùng quanh khu vực khảo sát. Có thể sử dụng PDA thay cho Laptop vì tuổi thọ của pin và những tiện ích mà PDA mang lại. PDA cũng mang lại kết quả công việc tương tự như Laptop nhưng lại có lợi thế về mặt khối lượng của PDA nhẹ hơn, tuổi thọ của pin dài hơn. Người khảo sát nên chuẩn bị thêm pin dự phòng.

    6.2.4. Giấy:
    Cả người khảo sát và thiết kế đều phải có những bản copy cứng tất cả những tài liệu có được càng chi tiết càng tốt, nhằm tạo nguồn tài liệu tham khảo. Vì không có mẫu chuẩn nào để thu thập thông tin khi khảo sát, mỗi người khảo sát nên tự tạo ra một số những tập mẫu khảo sát của riêng mình, giúp thu thập tốt thông tin từ phía khách hàng, và cũng là nguồn tài liệu tham khảo trong suốt quá trình hoàn thành báo cáo khảo sát.

    6.2.5. Khảo sát ngoài trời:
    Nếu khu vực bao phủ tương đối nhỏ và tất cả người sử dụng đều nhìn thấy anten thì khảo sát ngoài trời đơn giản hơn khảo sát trong nhà. Ngược lại, nếu khu vực bao phủ lớn, tầm nhìn thẳng bị che khuất, hoặc khoảng cách liên kết quá xa thì việc khảo sát ngoài trời là rất phức tạp.
    Quá trình khảo sát ngoài trời có thể sẽ mất nhiều thời gian, công sức và thiết bị hơn so với khảo sát trong nhà. Nếu phải khảo sát ngoài trời, nên chuẩn bị anten thích hợp, bộ khuếch đại, bộ nối, cáp và một số thiết bị khác.

    6.2.6. Bộ phân tích phổ:
    Bộ phân tích phổ có rất nhiều dạng, hai dạng thường được sử dụng là bộ phân tích phổ phần cứng và phần mềm. Có rất nhiều nhà sản xuất cung cấp bộ phân tích phổ phần cứng với giá hàng ngàn đôla tùy thuộc vào độ phân giải, tốc độ, dải tần số và các thông số khác. Bộ phân tích phổ phần mềm gồm có driver thiết bị và ứng dụng hoạt động trên Laptop.
    Các phần mềm phân tích phổ có khả năng quét toàn bộ dải tần số 2,4GHz và hiển thị kết quả bằng hình ảnh sinh động. Những phần mềm này cho kết quả tương đương với các sản phẩm phần cứng mặc dù kết quả có thể không chính xác nhưng đủ tốt trong những trường hợp khảo sát mà phân tích phổ chỉ sử dụng để xác định tài nguyên và nhiễu vô tuyến trong khu vực khảo sát.
    Khi khảo sát phải yêu cầu người sử dụng tắt những thiết bị của họ nếu có thể nhằm xác định chính xác các nguồn nhiễu như nhiễu băng hẹp có công suất thấp. Một phần của việc phân tích phổ là phải xác định được mạng 802.11b và 802.11a nào đang được sử dụng trong hoặc xung quanh khu vực khảo sát.

    6.2.7. Phần mềm phân tích giao thức:
    Sau khi phân tích phổ tín hiệu, cần sử dụng phần mềm phân tích giao thức để phát hiện những mạng không dây khác trong khu vực khảo sát có thể ảnh hưởng đến việc triển khai mạng không dây sắp đến. Phần mềm phân tích giao thức này sẽ bắt các gói tin được truyền bởi các mạng lân cận và phân tích những thông tin chi tiết như kênh đang sử dụng, khoảng cách, độ mạnh tín hiệu, … Thêm vào đó cũng xác định thông lượng và yêu cầu độ trễ của mạng không dây.
    Nếu hiệu quả hoạt động của mạng không phù hợp với dự đoán khi khảo sát, sử dụng phần mềm phân tích này để xác định nguyên nhân. Phần mềm này còn có khả năng nhận dạng những ứng dụng không được xác thực hay không được trông chờ (tùy thuộc vào dạng mã hóa đang được sử dụng) và có thể khắc phục những lỗi lớp 1 và 2 như truyền lại quá mức, sử dụng kỹ thuật bảo vệ,…

    6.2.8. Danh sách các thiết bị khảo sát:

    Một bộ các thiết bị khảo sát hoàn chỉnh nên có:
    - Laptop/PDA.
    - Card PC không dây (driver và ứng dụng).
    - Access point và bridge.
    - Pin dự phòng và bộ chuyển đổi DC-AC.
    - Những phần mềm ứng dụng khảo sát (cài đặt trên Laptop/PDA).
    - Bìa kẹp hồ sơ, các loại bút, giấy.
    - Bản vẽ tòa nhà và sơ đồ mạng.
    - Anten khảo sát trong nhà và ngoài trời.
    - Cáp và các bộ nối.
    - Ống nhòm, bộ đàm.
    - Dù, quần áo mưa.
    - Phần mềm hoặc phần cứng phân tích phổ, phân tích giao thức.
    - Công cụ trợ giúp lắp đặt phần cứng.
    - Thiết bị bảo vệ đồ nghề và tài liệu.
    - Máy ảnh số.
    - Bộ sạc pin.
    - Bộ suy giảm tín hiệu.
    - Thước đo dạng bánh xe.
    - Túi đựng thiết bị và tài liệu khi di chuyển.
    Phạm Minh Tuấn

    Email : phamminhtuan@vnpro.org
    Yahoo : phamminhtuan_vnpro
    -----------------------------------------------------------------------------------------------
    Trung Tâm Tin Học VnPro
    149/1D Ung Văn Khiêm P25 Q.Bình thạnh TPHCM
    Tel : (08) 35124257 (5 lines)
    Fax: (08) 35124314

    Home page: http://www.vnpro.vn
    Support Forum: http://www.vnpro.org
    - Chuyên đào tạo quản trị mạng và hạ tầng Internet
    - Phát hành sách chuyên môn
    - Tư vấn và tuyển dụng nhân sự IT
    - Tư vấn thiết kế và hỗ trợ kỹ thuật hệ thống mạng

    Network channel: http://www.dancisco.com
    Blog: http://www.vnpro.org/blog

    Comment


    • #3
      6.3. Thực hiện khảo sát:

      Trong suốt quá trình khảo sát, công việc của người khảo sát là thu thập và ghi lại những thông tin sau:
      - Vị trí lắp đặt access point.
      - Cách lắp đặt access point.
      - Vị trí kết nối access point với mạng có dây.
      - Vị trí lắp đặt cáp và nguồn điện.
      - Loại anten được sử dụng, vị trí và cách lắp đặt.
      - Cách thiết lập các tham số cấu hình để điều chỉnh vùng phủ sóng như công suất phát, tốc độ dữ liệu,…
      - Kênh được sử dụng.

      6.3.1. Khảo sát trong nhà:
      Người khảo sát xác định và ghi lại những thông tin sau (tối thiểu) trên bản copy sơ đồ tòa nhà:
      - Điểm kết nối nguồn điện và điểm nối đất.
      - Điểm kết nối với mạng có dây.
      - Thang hoặc thang máy cần phục vụ cho việc lắp đặt access point.
      - Những vật có khả năng cản sóng như cửa chống cháy, cửa chớp, cửa số lưới kim loại,…
      - Những nguồn sóng vô tuyến có khả năng gây ra nhiễu như lò vi sóng, động cơ thang máy, điện thoại không dây sử dụng tần số 2,4GHz,…
      - Những khu vực bị cản sóng như phòng lưu trữ thiết bị có nhiều ngăn kéo, …

      6.3.2. Khảo sát ngoài trời:
      Những thông tin cần thu thập cho một bản thảo:
      - Cây cối, các tòa nhà, ao hồ, nhũng vật cản trên đường kết nối.
      - Nếu là mùa đông, xác định vị trí cây cối sẽ ra lá vào mùa khác có thể làm ảnh hưởng đến đường truyền.
      - Tầm nhìn thẳng thị giác và tầm nhìn thẳng vô tuyến giữa trạm phát và trạm thu.
      - Khoảng cách đường truyền (nếu lớn hơn 11km thì phải tính toán để bù cho những điểm lồi lõm của trái đất).
      - Những hiện tượng thời tiết xấu xảy ra trong khu vực.
      - Đặc điểm sử dụng của tháp anten hiện có, chiều cao hay phải cài đặt tháp mới.
      - Quyền sử dụng mái nhà.

      6.3.3. Trước khi bắt đầu khảo sát:
      Sau khi đã kiểm tra và ghi chép lại những thông tin đã được chuẩn bị trước, bước tiếp theo là thực hiện khảo sát hoặc thu thập thêm nhiều thông tin nữa. Những thông tin cần thu thập:
      - Ai sẽ cung cấp thang hoặc thang máy để lắp đặt access point?
      - Khách hàng có thể chặt bỏ cây cối nằm trong vùng có thể gây ra nhiễu hay không?
      - Có cần xây dựng tháp anten hay không?
      - Khách hàng có được cấp phép lắp đặt anten hay không?
      - Kiến trúc tòa nhà có yêu cầu phải sử dụng những thiết bị được kiểm tra để đặt vào khoảng giữa trần nhà và mái hay không?
      Người khảo sát nên có những thông tin chi tiết về đặc điểm thời tiết của khu vực khảo sát, nên lưu ý chỉ những điều kiện thời tiết khắc nghiệt mới gây ra thiệt hại cho mạng không dây, đồng thời cũng nên đưa ra những giải pháp cho thời tiết trước khi triển khai mạng không dây.

      6.3.4. Thu thập thông tin sóng vô tuyến:
      Người khảo sát tiếp tục thu thập những thông tin sóng vô tuyến như hình dạng sóng, điểm chết trong vùng phủ sóng, tốc độ,…
      - Hình dạng và phạm vi phủ sóng.
      - Ranh giới tốc độ.
      - Tài liệu liên quan.
      - Kiểm tra thông lượng và hoạch định khả năng.
      - Nguồn nhiễu.
      - Các yêu cầu kết nối với mạng không dây và nguồn xoay chiều.
      - Vị trí đặt anten ngoài trời.

      6.3.4.1. Hình dạng và phạm vi phủ sóng:
      Người khảo sát bắt đầu đặt access point tại vị trí được xem là vị trí logic, đó không phải là vị trí cuối cùng, có thể phải di chuyển vị trí của access point nhiều lần trước khi xác định được vị trí thích hợp nhất. Thông thường đặt access point tại vị trí trung tâm khu vực khảo sát nếu sử dụng anten đẳng hướng, ngược lại nếu sử dụng anten định hướng thì nên đặt anten ở một đầu của khu vực khảo sát.
      Khi đã xác định được vị trí đặt access point tốt nhất, đánh dấu lại vị trí này trên sơ đồ khu vực khảo sát bằng bút màu. Nên lưu lại hình ảnh của vị trí này, không nên đưa vào báo cáo những vị trí đặt access point tạm thời, những vật có thể di chuyển,… Nên lưu ý đến hướng của anten.
      Có thể sử dụng nhiều loại anten để khảo sát như anten đẳng hướng, bán định hướng hay định hướng cao. Khi sử dụng anten bán định hướng, nên lưu ý đến sóng phát ra hai bên và phía sau của anten vì lý do vùng bao phủ và bảo mật của mạng. Có thể phải dùng nhiều loại anten mới có thể thu được vùng phủ sóng thích hợp. Nên sử dụng anten Yagi, Patch hoặc Panel cho những hành lang dài; sử dụng anten đẳng hướng cho những khu vực rộng lớn.
      Có thể hiểu rằng vị trí bắt đầu khảo sát vùng phủ sóng và tốc độ dữ liệu là không quan trọng, mà chính yếu là mọi vị trí đều được khảo sát. Khi di chuyển khảo sát qua từng vị trí, hãy ghi chép lại những thông tin:
      - Tốc độ dữ liệu (dBm).
      - Độ mạnh tín hiệu (dBm).
      - Mức nhiễu nền (dBm).
      - Tỷ số tín hiệu trên nhiễu (SNR).
      Việc di chuyển các thiết bị đo đạc nhanh có thể sẽ tăng tốc quá trình khảo sát nhưng đồng thời cũng có khả năng người khảo sát có thể bỏ qua những điểm chết hay nguồn nhiễu tiềm tàng.
      Khi khảo sát ngoài trời, nên khảo sát cả những khu vực lân cận. Nếu phải đặt access point ngoài trời để phủ sóng cho hai tòa nhà, nên đặt access point lên nóc tòa nhà, trong trường hợp này sẽ có nhiều nguồn nhiễu và vật cản hơn so với trường hợp đặt access point trong nhà.
      Điều quan trọng khi khảo sát là người khảo sát ghi lại thông tin càng chi tiết, càng cẩn thận càng tốt: vị trí xa nhất từ access point, mọi điểm chết, vị trí tốc độ dữ liệu thay đổi; nên kết hợp với những thông tin đã được khách hàng cung cấp để xác định được những vị trí nào nên được lưu ý.

      6.3.4.2. Ranh giới tốc độ:
      Ranh giới tốc độ tương tự như những vòng tròn đồng tâm quanh access point, với tốc độ giảm dần từ tâm ra.Ví dụ: nếu sử dụng mạng 802.11b thì tốc độ giảm dần từ 11Mbps, 5,5Mbps, 2Mbps đến 1Mbps. Tuy vậy, thực tế ranh giới tốc độ thường không phải là những vòng tròn đều đặn vì trên đường đi tín hiệu bị cản trở bởi các vật cản. Nên khuyến cáo với khách hàng “nếu di chuyển từ phòng này sang phòng khác, có thể sẽ không đạt được thông lượng cao nhất vì càng xa access point tốc độ dữ liệu càng giảm”.

      6.3.4.3. Tài liệu liên quan:
      Khi khảo sát, những bản copy sơ đồ tòa nhà sẽ được đánh dấu những điểm chết, tốc độ dữ liệu, độ mạnh tín hiệu, sau đó quá trình được lặp lại tại một vị trí khác trong khu vực khảo sát. Nếu là một văn phòng nhỏ, toàn bộ văn phòng đều được phủ sóng với thông lượng cao nhất từ điểm khảo sát đầu tiên thì không cần lặp lại quá trình khảo sát ở trên tại bất cứ vị trí nào nữa, như vậy là kết thúc khảo sát. Tuy nhiên, đây lại là tình huống rất hiếm.
      Người khảo sát phải di chuyển và thực hiện khảo sát lặp đi lặp lại tại nhiều địa điểm trong khu vực cần khảo sát cho đến khi xác định được vùng phủ sóng tối ưu. Chính vì vậy cần có nhiều bản copy sơ đồ khu vực khảo sát.
      Kết quả của giai đoạn này là một bản đồ vùng phủ sóng access point ở nhiều vị trí khác nhau và được ghi chú vị trí nào tốt nhất và xấu nhất. Có thể tiết kiệm thời gian khảo sát bằng cách chỉ ghi lại những vị trí mà tại đó hình dạng bao phủ sóng là tốt nhất. Người khảo sát nên phân chia thời gian hợp lý vì khảo sát bản thân nó là một công việc mất rất nhiều thời gian.

      6.3.4.4. Kiểm tra thông lượng và hoạch định khả năng:
      Ngoài nguồn nhiễu, độ mạnh tín hiệu, tỉ lệ tín hiệu trên nhiễu, thông lượng ở nhiều vị trí khảo sát khác nhau cũng là thông tin có giá trị đối với người kỹ sư thiết kế. Quan điểm của việc kiểm tra vùng phủ sóng và tốc độ dữ liệu là hiểu và điều khiển những vấn đề mà người sử dụng có thể gặp phải khi sử dụng mạng không dây. Có thể thực khảo sát vấn đề này bằng cách truyền các tập tin đến và đi từ máy chủ FTP nhằm hiểu một cách thấu đáo về những vấn đề mà người sử dụng gặp phải. Tuy nhiên, đôi khi không thể thực hiện được vì không có kết nối với mạng hạ tầng có dây.
      Hoạch định khả năng sử dụng của khách hàng là rất quan trọng. Từ những thông tin từ người quản trị mạng, người khảo sát sẽ biết được những vị trí có những người sử dụng khác nhau hiện diện, từ đó quyết định có nên đặt nhiều access point gần nhau để cung cấp đủ thông lượng cần thiết hay không?
      Những thông tin này sẽ được đánh dấu trên sơ đồ cùng với tốc độ dữ liệu, thông lượng, các chú ý về khả năng người dùng,… Lựa chọn tốc độ tối thiểu mà người sử dụng có thể chấp nhận và đánh giá vùng phủ sóng của access point dựa trên tầm bao phủ của access point theo tốc độ dữ liệu.

      6.3.4.5. Các nguồn nhiễu:
      Thường đặt ra những câu hỏi sau:
      - “Có mạng không dây nào đang được sử dụng trong hoặc gần khu vực khảo sát không?”: những mạng hiện đang tồn tại có thể gây ra khó khăn cho người khảo sát nếu như người khảo sát không có quyền tạm ngưng hoạt động của mạng. Điều này có thể ảnh hưởng đến thời gian khảo sát.
      - “Có kế hoạch nào cho việc cài đặt mạng không dây trong tương lai hay không?”: những dự án này có thể ảnh hưởng đến việc cài đặt mạng không dây đang khảo sát.
      - “Nếu một tòa nhà cho thuê văn phòng, có công ty nào trong mạng đang sử dụng mạng không dây hay nguồn sóng vô tuyến hay không? Hoặc có dự định triển khai mạng không dây hay không?”:
      - “Có nguồn nhiễu khác trong dải băng tần 2,4GHz hay không?”: những nguồn nhiễu như lò vi sóng, điện thoại không dây 2,4GHz và 5GHz, thiết bị X-quang,…
      - “Nếu cài đặt mạng 802.11a, có tồn tại nguồn nhiễu nào trong dải tần số 5GHz hay không?”: nếu khách hàng đã sử dụng mạng 802.11b rồi thì nên sử dụng mạng 802.11a. Tuy nhiên phải xem xét có mạng 802.11a nào khác trong và gần khu vực khảo sát không.
      - “Các vật cản gây ra suy giảm tín hiệu?”: tìm và ghi lại thông tin về tất cả các nguồn nhiễu khi khảo sát hình dạng và vùng phủ sóng. Một số nguồn nhiễu trong nhà như: cửa kim loại, cửa sổ thủy tinh/kim loại, cửa chống cháy, tường xi măng, động cơ thang máy, thiết bị vô tuyến, tường kim loại, các vật cản bằng gỗ,…
      Ghi lại những nguồn nhiễu, vị trí, ảnh hưởng của nguồn nhiễu đến vùng phủ sóng, ranh giới, thông lượng của mạng không dây trên bản copy sơ đồ khu vực khảo sát cũng như lập thành một danh sách riêng; chụp ảnh những nguồn nhiễu cố định.

      6.3.4.6. Các yêu cầu kết nối không dây và nguồn điện xoay chiều:
      Xác định những vị trí có nguồn điện xoay chiều, vị trí kết nối với mạng có dây nhằm xác định vị trí đặt access point tốt nhất. Lưu ý access point có được cung cấp nguồn qua Ethernet hay không?
      Cần quan tâm một số thông tin sau:
      - “Nguồn điện xoay chiều sẵn có hay không?”: nếu không có sẵn nguồn điện xoay chiều thì phải cần đến nhà cung cấp điện (chi phí gia tăng), hoặc nghiên cứu giải pháp cung cấp nguồn cho access point qua Ethernet.
      - “Có sẵn điểm nối đất hay không?”: nếu có những điểm nối đất thích hợp sẽ tăng khả năng chống lại những dòng điện gây ra bởi sét đánh hoặc hiện tượng tăng áp độ ngột.
      - “Có sẵn điểm kết nối với mạng không dây hay không?”: nếu không có, phải sử dụng một cầu nối không dây hoặc một access point hoạt động ở chế độ lặp để cung cấp kết nối đến mạng có dây, lưu ý chiều dài cáp khi khảo sát.
      - “Có vật cản vật lý nào không?”: sẽ phải tốn chi phí xây dựng đối với các loại cửa, tường, các vật cản khi muốn thay thế chúng để chạy cáp đến access point hay anten.

      6.3.4.7. Lắp đặt anten ngoài trời:
      Để cài đặt anten ngoài trời, cần ghi lại những thông tin vị trí điểm tiếp đất, tháp anten, những vị trí có thể đặt anten, cần phải có cột thu lôi, lưu ý đến điểm nối đất. Đồng thời xác định chính xác những yêu cầu có một kết nối mạng có dây ngoài trời gồm cáp, nguồn điện, các dụng cụ bảo vệ thiết bị,…

      6.3.4.8. Kiểm tra sau khi cài đặt:
      Sau khi cài đặt thành công một mạng không dây, người khảo sát sẽ thực hiện kiểm tra nhằm đảm bảo tránh các tình huống xấu xảy ra. Những thông tin cần kiểm tra:
      - Vùng phủ sóng ở biên.
      - Các vùng phủ sóng chồng lên nhau (cho phép chuyển vùng).
      - Nhiễu đồng kênh và cận kênh trong toàn bộ khu vực khảo sát.

      6.3.5. Báo cáo khảo sát:
      Báo cáo là kết quả cuối cùng của quá trình khảo sát, cần có thời gian để phân loại, tổng hợp thông tin thu thập được, có khi sẽ phải đến lại điểm khảo sát để lấy thêm thông tin hoặc xác định lại thông tin ban đầu nhằm đưa ra một báo cáo chi tiết, chính xác nhất.

      6.3.5.1. Định dạng báo cáo:
      Không có bất cứ một quy định chung nào cho định dạng báo cáo, yếu tố này phụ thuộc vào kinh nghiệm của người khảo sát. Tuy nhiên, báo cáo phải đảm bảo:
      - Báo cáo là tổng hợp thông tin mà khách hàng yêu cầu sau khi người khảo sát kết thúc công việc của mình.
      - Người khảo sát cũng có thể là người cài đặt mạng, báo cáo được xem như là bản đồ cài đặt mạng, vì vậy báo cáo phải chính xác.
      - Tập hợp tất cả tài liệu thu thập được và đính kèm báo cáo dưới dạng phụ lục hoặc tài liệu tham khảo.
      Những nội dung chính cần có trong báo cáo:
      - Mục đích và nhu cầu kinh doanh: bản báo cáo nên gồm cả thông tin liên hệ giữa hai phía người khảo sát và khách hàng, cả hai đều phải có tài liệu này. Trình bày những mong muốn, đòi hỏi, yêu cầu của khách hàng, sau đó cung cấp chi tiết phương án thỏa mãn những yêu cầu này. Đồng thời kèm theo những tài liệu hình ảnh trực quan minh họa kiểu phủ sóng và kết nối không dây mà khách hàng yêu cầu. Người khảo sát có thể trình bày những phân tích ứng dụng được sử dụng của khách hàng nhằm đưa ra những khuyến nghị hợp lý nhất.
      - Phương pháp tiến hành: trình bày chi tiết phương pháp tiến hành khảo sát và lý do sử dụng phương pháp đó, những công việc đã thực hiện,.
      - Vùng phủ sóng vô tuyến: trình bày chi tiết hình dạng và giới hạn phủ sóng thỏa mãn các yêu cầu đặt ra. Đồng thời cũng đưa ra những vị trí không thể đặt access point và giải thích những lỗ hỗng của vùng phủ sóng (nếu có).
      - Thông lượng: chi tiết về băng thông và thông lượng xác định được, chỉ ra những vị trí băng thông lớn nhất, nhỏ nhất, thể hiện trên sơ đồ tòa nhà, đi kèm hình ảnh minh họa thực tế.
      - Nguồn nhiễu: chi tiết các nguồn nhiễu và vật cản trở sóng vô tuyến liên quan đế yêu cầu của khách hàng, , vị trí, chi tiết về nguồn nhiễu, đưa ra giải pháp xóa bỏ nguồn nhiễu ơ những vị trí có thể, giải thích mức độ ảnh hưởng của nhiễu đến mạng không dây.
      - Những vùng có vấn đề: những giải pháp tốt nhất có thể cho những vấn đề về sóng vô tuyến, khuyến cáo những công nghệ và thiết bị thỏa mãn yêu cầu của khách hàng tốt nhất, những vấn đề liên đến cài đặt mạng không dây.
      - Bản vẽ: sử dụng các phần mềm Visio, AutoCAD,… để trình bày những hình ảnh minh họa kết quả khảo sát, những hình ảnh từ các phần mềm khảo sát,…
      - Thông tin về vị trí và cấu hình thiết bị: báo cáo nên trình bày những thông tin về thiết bị như sau:
      o Tên thiết bị.
      o Vị trí thiết khi khi khảo sát.
      o Vị trí đặt access point và bridge tốt nhất.
      o Kênh hoạt động của thiết bị.
      o Mức công suất phát của access point.
      o Các đầu nối và cáp được sử dụng.
      o Cách cung cấp nguồn điện.
      o Vị trí kết nối với mạng có dây.
      o …

      6.3.5.2. Báo cáo bổ sung:

      Bản báo cáo khảo sát nên tập trung vào việc thông tin đến khách hàng hình dạng vùng phủ sóng tối ưu nhất trong khu vực khảo sát, thông tin bổ sung có thể là các thông tin về nhiễu, loại thiết bị cần thiết, các đề nghị thay thế thiết bị,…
      Báo cáo bổ sung nên có các thông tin sau:
      - Nhà sản xuất có sản phẩm phù hợp với yêu cầu của khách hàng, tên các sản phẩm.
      - Phân tích ưu nhược điểm của từng nhà sản xuất.
      - Mức độ hỗ trợ của các nhà phân phối sản phẩm.
      - Chi phí, số lượng thiết bị cần thiết.
      - Giải pháp bảo mật thích hợp, cách cài đặt.
      - Các sơ đồ, bản vẽ chi tiết thực hiện cài đặt các giải pháp đã được đề xuất.
      - Ước lượng chi phí, thời gian thực hiện cài đặt.
      - Chi tiết các yêu cầu được liệt kê trong báo cáo khảo sát sẽ được thỏa mãn bởi những giải pháp được đề nghị
      Phạm Minh Tuấn

      Email : phamminhtuan@vnpro.org
      Yahoo : phamminhtuan_vnpro
      -----------------------------------------------------------------------------------------------
      Trung Tâm Tin Học VnPro
      149/1D Ung Văn Khiêm P25 Q.Bình thạnh TPHCM
      Tel : (08) 35124257 (5 lines)
      Fax: (08) 35124314

      Home page: http://www.vnpro.vn
      Support Forum: http://www.vnpro.org
      - Chuyên đào tạo quản trị mạng và hạ tầng Internet
      - Phát hành sách chuyên môn
      - Tư vấn và tuyển dụng nhân sự IT
      - Tư vấn thiết kế và hỗ trợ kỹ thuật hệ thống mạng

      Network channel: http://www.dancisco.com
      Blog: http://www.vnpro.org/blog

      Comment


      • #4
        ôh bài này hay zay ta......
        Thiết Kế Trang Trí Nội Thất - Mercedes Benz E250

        Comment

        Working...
        X