So sánh chứng chỉ CWNA và CCNA
Chào các bạn!
Có thể nói CWNA là một trong những chứng chỉ đang rất thịnh hành hiện nay và được các bạn trẻ rất quan tâm. Theo học về mạng không dây đang là một xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập, nó thể hiện bạn có cái nhìn hướng về tương lai vì trong tương lai không xa, kết nối không dây sẽ xuất hiện khắp mọi nơi từ điện thoại di động cho đến các thiết bị giải trí gia đình rồi đây cũng sẽ được “không dây hóa”. Dù biết mọi sự so sánh đều khập khiển nhưng để giúp cho các bạn dễ hình dung thì ta có thể so sánh hệ thống chứng chỉ không dây của Planet với hệ thống chứng chỉ mạng CCIE của Cisco. Trong bài viết này, tôi sẽ nói nhiều về CWNA vì chứng chỉ CCNA hiện nay đã rất phổ biến nên thiết nghĩ cũng không cần đề cập nhiều nữa.
Ở cấp cơ bản nhất ta có thể so sánh CWNA như CCNA của Cisco. Cả 2 chứng chỉ này đều cung cấp kiến thức nền tảng để bạn có thể học lên các chứng chỉ khác cao hơn. Nếu xét về độ khó của 2 chứng chỉ này thì có thể nói mỗi chứng chỉ đều có cái khó riêng của nó, “kẻ tám lạng, người nửa cân”. Nếu như CCNA thiên về kiến thức tổng quát cơ bản về mạng nói chung cũng như cách cấu hình trên thiết bị của Cisco thì CWNA lại tập trung chủ yếu về mạng không dây, các kiến thức về điện tử viễn thông.
Đối với một người hoàn toàn chưa biết gì về mạng cả thì việc học CWNA có phần khó khăn hơn so với những người đã biết qua về mạng, đặc biệt là đã có chứng chỉ CCNA, nó sẽ giúp ích rất nhiều cho các bạn trong quá trình học. Trong các nội dung của CWNA thì phần khó xơi nhất có lẽ là mảng kiến thức về sóng vô tuyến. Không giống như CCNA chỉ học chủ yếu về các lớp liên kết dữ liệu (Data Link) và lớp mạng (Network) thì trong CWNA các bạn phải học cả lớp vật lý (Physical) trong mô hình 7 lớp OSI. Chính điều này đã gây không ít trở ngại cho các bạn muốn học và hiểu được nguyên lý làm việc của mạng không dây. Tuy nhiên, bù lại vào đó là lúc chúng ta thực hiện triển khai và cấu hình thì lại rất dễ dàng, mọi công việc đều được thực hiện trên web nên không mấy khó khăn cho các bạn khi muốn lắp đặt một mạng không dây, hầu như với cấu hình mặc định cộng thêm một số thiết lập ban đầu là bạn đã có được một mạng không dây hoạt động trơn tru cho một văn phòng hay gia đình nhỏ (SOHO).
Nói như vậy không có nghĩa là ai cũng có thể cài đặt được mạng không dây và việc cài đặt chỉ có vậy thôi nếu như các bạn không muốn mạng không dây của mình trở thành mục tiêu cho các hacker hay sẵn dùng cho bất kỳ ai muốn dùng vì mạng không dây không giống như mạng có dây, ở đây ai cũng có thể kết nối vào mạng được miễn là trong vùng phủ sóng. Nếu các bạn muốn ngăn chặn tình trạng này thì các bạn phải hiểu và cấu hình bổ sung các giao thức bảo mật hay chất lượng dịch vụ (QoS) phù hợp với nhu cầu sử dụng của bạn. Điều này không hề đơn giản bởi vì bạn phải đứng trước một sự lựa chọn giữa việc dễ sử dụng và tính bảo mật, càng bảo mật thì càng khó sử dụng cho người dùng cuối, nó đòi hỏi bạn phải nắm được nhu cầu sử dụng của mình cũng như các giao thức bảo mật phổ biến hiện nay.
Ngoài ra mạng không dây còn có một phần nữa theo tôi đánh giá là rất hay, rất đáng “đồng tiền bát gạo” đó chính là phần khảo sát mạng trước khi triển khai. Chính phần này giúp cho chúng ta có một cái nhìn tổng quan về địa điểm triển khai cũng như lập được kế hoạch triển khai chi tiết, bài bản cho khách hàng của mình hay cho chính mình. Khách hàng sẽ nhìn vào bản báo cáo khảo sát này để đánh giá hiệu quả của một dự án triển khai cũng như năng lực thực sự của các công ty tư vấn thiết kế mạng để rồi họ mới quyết định xem nên chọn công ty nào nhận thầu triển khai mạng không dây cho họ. Kiến thức về khảo sát là rất quan trọng trong các dự án lớn như triển khai mạng không dây cho một tòa nhà, sân bay, bệnh viện, trường học … vì với những môi trường lớn như vậy sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai nếu như bạn không thực hiện khảo sát trước địa điểm triển khai.
Như vậy các bạn cũng có thể thấy rằng mạng không dây là một mảng khá rộng, tuy nhiên không phải là quá khó để các bạn theo học. Theo tôi, đây là một lĩnh vực còn khá mới và tiềm năng ứng dụng của nó là rất lớn. Vấn đề lớn nhất hiện nay đối với mạng không dây chính là bảo mật và tốc độ nhưng một khi hai vấn đề này được giải quyết (với các chuẩn sắp ra đời như 802.11i và 802.11n) thì không còn nghi ngờ gì nữa, tương lai của mạng thuộc về thế giới không dây.
Hy vọng bài viết trên đã giúp cho các bạn phần nào hiểu được nội dung của chứng chỉ CWNA và có cái nhìn tương quan giữa CCNA và CWNA. Nếu như các bạn đã có được 2 chứng chỉ cơ bản này rồi thì các bạn đã sẵn sàng cho việc học lên các chứng chỉ khác cao hơn như CCNP, CWSP hay thậm chí là CCIE hay CWNE (chi tiết về các chứng chỉ này xin hẹn với các bạn ở các bài viết sau). Đúng là sự học là mãi mãi, càng lên cao càng thấy mình chưa là gì cả. Tôi biết có một câu cũng khá hay để kết thúc cho bài viết này và nó có vẻ phù hợp cho các bạn có chiều cao khiêm tốn đó là: “Có thể bạn không cao nhưng người khác cũng phải ngước nhìn”. Chúc các bạn thành công trên con đường mình đã chọn!
Bảo Kiếm Anh
Comment