1. Mô hình DiffServ Tunneling
Với các quy tắc thực thi MPLS QoS, ta thấy bất kì thay đổi nào của các bit EXP ở ingress LSR hay các LSR khác thì giá trị của nó cũng không được sao chép vào gói tin IP lộ ra ở egress LSR của mạng MPLS. Vì thế, bất kể các bit EXP có được thay đổi bao nhiêu lần thì các giá trị các bit precedence hay các bit DSCP của gói tin IP nhận được ở egress LSR vẫn được bảo toàn như giá trị khi gói tin IP đi vào mạng MPLS.
Do đó ta có thể thực hiện đường hầm QoS (gọi là DiffServ Tunneling) đối với gói tin IP đi qua mạng MPLS. Lợi ích dễ thấy của việc này là mạng MPLS có thể có chính sách thực hiện QoS khác với chính sách QoS của khách hàng, giúp cho nhà cung cấp dịch vụ quản lý QoS hiệu quả hơn. DiffServ Tunneling có 3 mode hoạt động sau:
• Pipe mode.
• Short pipe mode.
• Uniform mode.
Sự khác nhau giữa 3 mode này chỉ ở LSR biên. Ta phân biệt 2 khái niệm: thông tin LSP DiffServ và thông tin Tunneled DiffServ:
Thông tin LSP DiffServ và thông tin Tunneled DiffServ
Thông tin Tunneled DiffServ là QoS của gói tin đã gán nhãn hay giá trị các bit precedence/DSCP của gói tin IP đi vào ingress LSR của mạng MPLS. Thông tin LSP DiffServ là QoS (giá trị của bit EXP) của gói tin MPLS được vận chuyển trên LSP từ ingress LSR tới egress LSR. Thông tin Tunneled DiffServ là thông tin QoS cần đi qua mạng MPLS một cách trong suốt, còn thông tin LSP DiffServ là thông tin QoS mà tất cả các LSR trong mạng MPLS sử dụng để chuyển tiếp gói tin.
2. Pipe mode
Trong Pipe mode có những quy tắc sau:
+ Thông tin LSP DiffServ không nhất thiết (nhưng có thể) được lấy từ thông tin Tunneled DiffServ ở ingress LSR.
+ Tại một router P, thông tin LSP DiffServ của một nhãn ngõ ra được chuyển từ thông tin LSP DiffServ của một nhãn ngõ vào.
+ Tại egress LSR, cách đối xử chuyển tiếp (forwarding treatment) gói tin dựa vào thông tin LSP DiffServ, và thông tin LSP DiffServ không ảnh hưởng tới thông tin Tunneled DiffServ.
Nếu mạng MPLS nhận gói tin IP ở ingress LSR và mạng MPLS chỉ sử dụng E-LSPs thì Pipe mode đơn giản như sau: Thông tin Tunneled DiffServ là các bit precedence hay các bit DSCP của gói tin IP. Thông tin LSP DiffServ là giá trị các bit EXP của nhãn trong mạng MPLS. Cách chuyển tiếp (phân loại hay loại bỏ) của gói tin IP dựa trên các bit precedence hay DSCP trong IP header. Điều này gọi là IP PHB (Per Hop Behavior: cách hoạt động trên từng chặng). Còn cách chuyển tiếp gói tin MPLS được dựa trên các bit EXP, điều này gọi là MPLS PHB. Các quy tắc trên sẽ được hiểu như sau:
+ Các bit EXP có thể được sao chép từ các bit precedence hay DSCP hoặc có thể được tạo bằng cách cấu hình trên ingress LSR.
+ Trên router P, các bit EXP được chuyển từ nhãn đầu vào cho nhãn đầu ra.
+ Trên egress LSR, cách đối xử chuyển tiếp của gói tin dựa vào MPLS PHB (các bit EXP), vào các bit EXP không được chuyển đến IP precedence.
Trong ví dụ trên, gói tin IP đến mạng MPLS tại ingress PE có DSCP là 5. Ingress PE chèn nhãn vào gói tin với giá trị EXP là 3 được tạo tùy theo chính sách của nhà cung cấp mạng. Gói tin được truyền đến router P, tại đây giá trị EXP của nhãn ngõ vào được sao chép vào EXP của nhãn được chuyển đổi. Tới router P kế cuối, nhãn trên cùng được gỡ ra. Gói tin tiếp tục được truyền đến egress PE. Egress PE loại bỏ nhãn ra khỏi gói tin và thực hiên QoS trên interface ngõ ra của nó dựa trên giá trị MPLS EXP.
Hà Phạm Minh Đức – VnPro